Tìm hiểu phân kali

17-02-2013 in Các loại Phân bón

Phân kali hay còn gọi là phân MOPTrong sản xuất nông nghiệp, phân kali giữ vai trò quan trọng, giúp làm tăng năng suất và chất lượng cây trồng. Kali tham gia vào quá trình chuyển hóa năng lượng trong quá trình đồng hóa các chất dinh dưỡng của cây.

 

Phân kali giúp cây chống chịu với những điều kiện bất thuận, làm cho cây cứng cáp, tăng khả năng chịu úng, chịu hạn, chịu rét. Kali làm tăng hàm lượng đường trong quả, làm cho màu sắc quả sáng bóng, hương vị quả thơm ngon, quả cất trữ được lâu… Giới thiệu một số loại phân kali:

 

Phân clorua kali (phân MOP): Phân có dạng bột màu hồng như muối ớt. Cũng có dạng clorua kali có màu xám đục hoặc xám trắng, kết tinh thành hạt nhỏ. Trong phân có hàm lượng kali nguyên chất là 50 – 60% và một lượng nhỏ muối ăn (NaCl).

 

Phân clorua kali là loại phân chua sinh lý, khi đổ khô có độ rời tốt, đễ sử dụng. Tuy nhiên, việc bảo quản không tốt, phân bị ẩm kết dính lại với nhau sẽ khó sử dụng. Clorua kali có thể dùng để bón cho nhiều loại cây trồng, trên nhiều loại đất khác nhau. Loại phân này có thể sử dụng để bón lót hoặc bón thúc đều được.

 

Phân clorua kali dùng để bón lên đất mặn, thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây dừa. Không bón phân này cho các loại cây hương liệu, chè, cà phê…

 

Phân sunphat kali: Là dạng tinh thể nhỏ, mịn, có màu trắng. Dễ tan trong nước, ít hút ẩm. Trong phân có hàm lượng kali nguyên chất là 45 – 50% và lưu huỳnh 18%. Đây là loại phân chua sinh lý. Nếu sử dụng trong thời gian dài trên một chân đất có thể làm tăng độ chua của đất. Phân sunphat kali thích hợp cho nhiều loại cây trồng. Loại phân này phát huy hiệu lực cao đối với cây có dầu, rau cải, thuốc lá, chè, cà phê…

 

Ngoài các loại phân kali kể trên còn có phân kali magiê, phân Agripac…  Để việc sử dụng phân kali được tốt, khi bón cho cây trồng cần quan tâm tới nhũng vấn đề cơ bản sau:

 

–          Phân kali nên bón kết hợp vói các loại phân khác, bổ sung thêm các nguyên tố vi lượng magiê, natri.

–          Với loại đất trung tính, khi bón phân kali cần bón kết hợp với vôi.

–          Phân kali có thể bón thúc bằng cách phun dung dịch lên lá vào các thời gian cây ra hoa kết trái, hình thành củ…

–          Trong tro bếp có hàm lượng kali tương đối lớn, do vậy có thể bón tro bếp thay thế phân kali.

–          Không nên bón quá nhiều phân kali, nó sẽ tác động xấu lên rễ cây làm cây teo rễ. Nếu bón quá thừa phân kali trong nhiều năm có thể làm mất cân đối natri, magiê. Một số loại cây trồng phản ứng tích cực với phân kali là chè, mía, dừa, chuối khoai, sắn, bông, đay, thuốc lá…

 

VHDT

Previous post:

Next post: