Phân đạm là gì?

14-02-2013 in Các loại Phân bón

Phân đạm là gì? Phân SA cũng là một loại phân đạmPhân đạm là gì? Đó là tên gọi chung của các loại phân bón vô cơ cung cấp đạm cho cây. Đạm là chất dinh dưỡng rất cần thiết đối với sự sinh trưởng và phát triển của cây. Nó là nguyên tố tham gia vào thành phần chính của clorôphin, prôtit, peptit, các axit amin, các enzim và nhiều loại vitamin trong cây.

 

Đạm thúc đẩy quá trình tăng trưởng của cây, giúp cây đẻ nhánh khỏe, phân cành mạnh, ra lá nhiều, cây có khả năng quang hợp tốt… làm tăng năng suất cây trồng. Dưới đây là các loại phân đạm thường được sử dụng bón cho cây trồng:

 

Phân bón ure: Chứa 44-48% N nguyên chất. Nó có khả năng thích nghi rộng và có khả năng phát huy trên nhiều loại đất khác nhau, với nhiều loại cây trồng khác nhau. Nhưng thích hợp nhất là bón trên đất chua phèn. Phân bón ure thường được dùng để bón thúc, pha loãng theo nồng độ 0,5 – 1,5 % để phun lên lá.

 

Bảo quản phân phải tốt, không được phơi ra nắng hay để nơi có ánh nắng chiếu vào, nếu để phân tiếp xúc với ánh nắng và không khí, phân bón ure sẽ bị phân hủy và bay hơi. Những túi phân đã mở ra nên sử dụng hết trong thời gian ngắn.

 

Phân phốtphát đạm: Đây là loại phân chứa 16% đạm, 20% lân. Loại phân này có dạng viên, màu xám tro hoặc màu trắng. Phân dễ tan trong nước và phát huy hiệu quả nhanh. Phân được dùng để bón lót, bón thúc đều tốt. Bón thích hợp trên đất nhiều mặn vì phân không làm tăng độ mặn, độ chua.

 

Phân sunphat đạm: Còn gọi là phân SA, chứa khoảng 20 – 21% N nguyên chất, 29% lưu huỳnh. Loại phân này có dạng tinh thể mịn, màu trắng ngà hoặc xám xanh. Phân có mùi hôi khai (mùi amôniac), có vị mặn và hơi chua. Phân SA dễ tan trong nước, không vón cục, dễ bảo quản, dễ sử dụng. Tuy nhiên, cũng cần phải bảo quản tốt, để phân SA ở nơi khô ráo, thông thoáng.

 

Có thể bón phân SA cho tất cả các loại cây trồng, trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, với các loại đất phèn, đất chua thì cần phải được xử lý trước khi bón. Đạm sunphat rất cần cho sự sinh trưởng và phát triến của các loại cây như: đậu đỗ, lạc, ngô… Khi bón nên chia ra làm nhiều lần để không bị mất đạm. Loại phân này phát huy tác dụng nhanh, do vậy thường được sử dụng để bón thúc.

 

Lưu ý: Không nên sử dụng phân đạm sunphat bón trên đất phèn vì phân dễ làm chua thêm đất.

 

Phân đạm clorua: Có chứa 24 — 25% N nguyên chất. Đạm clorua có dạng tinh thể mịn, màu trắng hoặc vàng ngà, ít hút ẩm, không bị vón cục, dễ tan trong nước. Đạm clorua là loại phân sinh lý chua, do vậy để phát huy hiệu lực cao thì khi sử dụng nên bón kết hợp với lân và các loại phân bón khác.

 

Không nên bón đạm clorua lên vùng đất khô hạn, nơi có chân đất nhiễm mặn, vì ở đó trong đất có thê tích lũy nhiều clo, dễ làm cây bị ngộ độc. Không bón đạm clorua cho các loại cây như thuốc lá, khoai tây, chè, hành, tỏi…

 

Phân amôn nitrat: Chứa 33 – 35% N nguyên chất. Phân này ở dưới dạng tinh thể muối kết tinh, có màu vàng xám. Amôn nitrat dễ chảy nước, dễ tan trong nước, dễ vón cục, khó bảo quản và khó sử dụng. Đây là loại phân sinh lý chua. Có thể bón phân amôn nitrat cho nhiều loại cây trồng, trên nhiều loại đất khác nhau. Khi bón, hòa tan thành dung dịch dinh dưỡng để bón thúc cho cây trồng.

 

Phân xianamit canxi: chứa 20 – 21% N nguyên chất, 20 – 28% vôi, 9 – 12% than. Phân có màu xám đen hoặc màu trắng, có dạng bột, không có tinh thể, đốt không có mùi khai. Phân xianamit canxi có phản ứng kiềm. Xianamit canxi thường được dùng để bón lót. Muốn dùng để bón thúc phải đem ủ trước khi bón. Bởi vì phân xianamit canxi khi phân giải tạo ra một số chất độc có thể gây hỏng móng chân trâu bò, hại da chân người. Thường sau 7-10 ngày các chất độc mới hết nên xianami canxi được trộn ủ với phân rác để phân chóng hoai mục.

 

Lưu ý: Để phân nơi khô ráo, thông thoáng. Bởi vì phân hút ẩm sẽ bị biến chất, hạt phân phình to lên làm rách bao bì và làm hỏng bao bì đựng. Khi sử đụng phân xianamit canxi phải hết sức thận trọng, bởi phân này dễ bốc bụi. Bụi bám vào da làm hỏng da, phân bay vào mắt hỏng giác mạc mắt. Nên dùng bảo hộ lao động khi sử dụng loại phân này. Phân này có thể khử được chua, nên cần dùng ở các loại đất chua. Tuyệt đối không dùng loại phân này phun lên lá.

 

VHDT

Previous post:

Next post: