Làm phân bón giả bị phạt đến 100 triệu đồng

18-01-2013 in Thị trường Phân bón

Làm phân bón giả bị phạt đến 100 triệu đồngSản xuất, kinh doanh phân bón giả có thể bị phạt lên đến 100 triệu đồng thay vì 40 triệu đồng như trước đây. Đó là một trong các nội dung của Nghị định 08 do Chính phủ vừa ban hành về xử phạt hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.

 

Nạn sản xuất và kinh doanh phân bón giả đã gây ra nhiều thiệt hại cho nhà nông những năm qua, gây bức xúc trong dư luận. Năm 2012 hàng chục vụ sản xuất và tiêu thụ phân bón giả, kém chất lượng đã bị phát hiện, trong đó có những vụ có qui mô lớn cả trăm tấn phân bón.

 

Hiện nay, việc quản lý trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón có rất nhiều lỏng lẻo. Nhiều cơ sở tạm bợ chỉ có vài cái cuốc, xẻng cũng được cấp giấy phép sản xuất phân bón.

 

Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy cho biết phân bón giả được làm rất tinh vi. Các đối tượng sản xuất phân giả chuyển sang hình thức sản xuất theo cụm nhỏ nhằm dễ dàng đối phó, có khi còn tổ chức làm hàng giả trên xe tải 20 tấn. Các loại phân bón bị làm giả nhiều là nhóm phân hữu cơ, phân ure, phân NPK, đặc biệt là phân kali.

 

Ông Thúy cho rằng khó dẹp được vấn nạn này là do nhiều vụ phát hiện sản xuất phân bón giả hoặc kém chất lượng vẫn chưa được xử lý triệt để. Ngay cả Bộ Công Thương cũng chưa thật sự vào cuộc để giải quyết, xử lý tình trạng này.

 

Chẳng hạn, một vụ phát hiện doanh nghiệp sản xuất phân bón giả tại quận 12 – TP.HCM nhưng khi chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra xử lý tiếp thì vụ việc lại không được giải quyết. Hoặc vụ phát hiện 60 tấn phân bón giả nhái nhãn hiệu của một doanh nghiệp phân bón tại tỉnh Bình Thuận hồi năm 2011 vẫn tiếp tục để đó.

 

Hơn thế trên thị trường gần đây xuất hiện khá nhiều phân bón kém chất lượng của Trung Quốc nhập theo đường tiểu ngạch vào Việt Nam. Đây là nguồn hàng khó kiểm soát vì thường được chia nhỏ để vận chuyển từ 10-15 tấn, nhằm dễ đưa về các địa phương tiêu thụ.

 

Hiện nay, doanh nghiệp phải mất 3 năm khảo nghiệm cùng 100 triệu đồng kinh phí để được chứng nhận một loại thuốc bảo vệ thực vật mới. Phân bón mới muốn được chứng nhận phải qua 2 năm khảo nghiệm với mức phí 30 triệu đồng.

 

Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp tận dụng khe hở này đưa thuốc bảo vệ thực vật sang danh mục phân bón dưới dạng phun lá, nhằm giảm 70 triệu đồng chi phí trong khi thời gian được bán ra thị trường ngắn hơn 1 năm. Vì lẽ đó mà rất nhiều hộ nông dân tại các tỉnh miền đông nam bộ chịu thiệt hại vì mua phân bón giả dưới dạng phun lá nhưng thực chất là thuốc bảo vệ thực vật.

Previous post:

Next post: