Với những đặc điểm về hình thái của cây, cho chúng ta nhận biết về quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Nếu được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và bón phân, cây sẽ sinh trưởng và phát triển bình thưòng.
Còn trong trường hợp thiếu chất dinh dưỡng cây có nhiều biểu hiện về hình thái. Dưói đây là một số triệu chứng thiếu chất dinh dường ở cây trồng:
– Lá úa vàng bắt đầu từ đỉnh là thiếu phân đạm.
– Mép lá bị héo chết là thiếu phân kali.
– Các gân lá úa vàng khi lá còn xanh là thiếu magiê.
– Lá ngũ cốc xuất hiện các đốm màu hơi nâu, hơi xám hoặc hơi trắng là thiếu mangan.
– Trên lá, thân xuất hiện màu hơi đỏ trên nền xanh là thiếu phân lân.
– Lá non có những đốm xanh vàng với gân lá màu xanh là thiếu sắt.
– Lá non nhất có đỉnh màu trắng là thiếu đồng.
– Lá non nhất có màu hơi nâu hoặc chết là thiếu Bo.
– Lá non có những đốm xanh vàng với gân lá màu hơi vàng là thiếu lưu huỳnh.
Những biểu hiện bên ngoài của cây trồng do thiếu chất dinh dưỡng nói ở trên chưa hẳn đã hoàn toàn như vậy. Bởi mỗi giống cây trồng, mỗi loại đất và cùng với kỹ thuật canh tác, cây trồng có sự sinh trưởng và phát triển ở một mức độ nào đó. Để bón phân, cung cấp chất dinh dưỡng đúng và đủ cho cây trồng, người ta còn quan sát, đo đếm, xác định theo từng yếu tố như:
Độ đồng đều của cây trồng: đồng đều về hình thái, đồng đều về giai đoạn phát triển, đồng đều về trạng thái sức khoẻ, đồng đều về năng suất sản lượng đạt được trên một đơn vị diện tích…
Khả năng sinh trưởng và phát triển của cây trồng được biểu hiện ở: chiều cao cây, số nhánh cây, khả năng phát tán của cây, số lá, kích thước lá, số quả trên cây, số hạt trên bông, số nhánh hữu hiệu… Các quan sát, đo đếm này cần phải thực hiện nghiêm túc và chính xác. Cần dựa trên các tiêu chuẩn của giống cây trồng, mức độ đầu tư, kỹ thuật canh tác…
Phát hiện và xác định mức độ gây hại của sâu bệnh: cần phải nắm được chỉ số cây bị hại, mật độ sâu hại cây trồng, giai đoạn phát dục của sâu hại, các loài thiên địch, các loài sâu bệnh khác đang xâm nhập…
VHDT