Trong tổng số trên 1 tỉ tấn ngũ cốc được thu hoạch, sản lượng từ các nước đang phát triển ở châu Á chiếm 47% trong khi dân số ở mức gần 60% dân số thế giới. Điều này nói lên sự mất cân đối của các nước châu Á về lương thực so với thế giới.
Sụ mất cân đối về sản xuất lương thực và tiêu thụ lương thực của các nước đang phát triển ở châu Á trong thập kỷ qua khiến cho châu Á trở thành vùng nhập khẩu ngũ cốc. Các nước đang phát triển ở châu Á sử dụng 51 % lượng ngũ cốc tiêu thụ trên toàn thế giới và phải nhập khẩu hàng năm khoảng 40 triệu tấn ngũ cốc, nhiều nhất là lúa mì.
Một trong những lý do chính của việc thiếu hụt lương thực này là diện tích đất nông nghiệp của các nước châu Á đang phát triển chỉ chiếm 31,5% trong tổng số trên thế giới (Về chủng loại các nước này làm ra 90% tổng số sản lượng lúa gạo và xuất khẩu khoảng 10 triệu tấn hàng năm). Trong khi đó các nước đang phát triển ở châu Á sản xuất ra 39% tổng sản lượng lúa mì thế giới, nhưng lại sử dụng đến 54% của tổng số lượng tiêu thụ trên thế giới và phải nhập khẩu hàng năm trên 30 triệu tấn.
Hầu hết các nước châu Á đều thiếu hụt lương thực cho tiêu dùng, chỉ có vài quốc gia trong số này là có cân đối dư thừa lương thực, như Thái Lan và Việt Nam, và tham gia đáng kể vào quá trình sản xuất và cung ứng lúa gạo chung.