Dân số thế giới mở rộng kéo theo nhu cầu lương thực gia tăng là bệ đỡ lâu dài đối với các nhà sản xuất phân lân, phân kali và phân đạm. Tuy nhiên năm 2012 các đại gia làng phân bón có vẻ quá tay khi đẩy giá phân bón các loại lên cao khiến cánh nhà nông ngần ngại sử dụng.
Thế là họ tìm cách mở rộng diện tích canh tác để tăng sản lượng thay vì bón phân nhiều hơn. Sản lượng cao làm giá nông sản rớt xuống, kéo theo giá phân bón đi cùng.
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí The Energy Report (Mỹ), nhà phân tích nông nghiệp đầy kinh nghiệm Robert Winslow chia sẻ quan điểm về những nét lạc quan cũng như bi quan về thị trường phân bón thế giới năm 2013.
The Energy Report: Kể từ cuộc phỏng vấn lần cuối tháng 4-2011 ông nhận thấy những diễn biến lớn về nông nghiệp nào tác động đến thị trường phân bón?
Robert Winslow: Khí hậu ngày càng thất thường như đợt hạn hán hồi mùa hè năm ngoái tại Mỹ khiến giá bắp, lúa mì và đậu nành lên cao kỷ lục. Trong nửa đầu năm 2013 có thể giá nông sản vẫn giữ ở mức cao do nhiều vùng của Mỹ vẫn còn khô hạn. Như thế người nông dân sẽ cảm thấy tự tin mua vào phân bón để tăng năng suất mùa vụ nhằm hưởng lợi thế giá nông sản cao. Ví như tại Brazil, diện tích trồng đậu nành đã được mở rộng thêm khoảng 10%.
Tuy nhiên chúng ta cũng chứng kiến một số diễn biến trái chiều ảnh hưởng lên thị trường phân bón thế giới. Tại Ấn Độ, đồng rupee mất giá tới 20% trong năm 2012 khiến nông dân không thể mua phân bón kali với mức giá cao mà sản xuất đưa ra. Nhu cầu phân bón kali tại Trung Quốc cũng giảm sút khiến giá phân kali không thể vững lên như trông đợi của nhiều người.
The Energy Report: Vậy thì thời tiết khắc nghiệt và thay đổi sẽ còn ảnh hưởng như thế nào lên giá nông sản và nhu cầu phân bón?
Robert Winslow: Không ai có thể nắm rõ câu trả lời. Theo tôi biết nguồn lương thực dự trữ toàn cầu hiện đủ dùng cho khoảng 68–69 ngày. Con số này thấp hơn so với bình quân 30 năm qua và vì thế có thể tạo biến động lớn với giá nông sản nếu có lụt lội và hạn hán lớn trên thế giới. Tóm lại là giá phân bón và nông sản có thể biến động mạnh ở hai chiều lên – xuống.
The Energy Report: Ông nhận xét thị trường phân bón thế giới sẽ như thế nào thời gian tới?
Robert Winslow: Thị trường phân bón kali đã không như kỳ vọng của nhiều người. Nhu cầu phân kali năm 2012 khoảng 50 triệu tấn, thấp hơn cả năm 2004 trong khi giá phân lại cao gấp hai, gấp ba lần. Chính sách đẩy giá cao gây phản tác dụng đối với nhà sản xuất. Tôi hy vọng năm 2013 thị trường phân bón kali dần hồi phục vì Ấn Độ đã bón thiếu phân kali nên phải tăng cường. Tuy nhiên giá phân kali phải từ mức 400 USD/tấn trở xuống mới kích thích người dùng phân bón tại quốc gia nam Á này.
Về nguồn cung phân bón kali, sẽ có nhiều mỏ mới được khai thác, đẩy tăng trưởng nguồn cung phân kali thêm mỗi năm 4% trong vòng bốn năm tới. Như thế giá phân bón kali khó mà lên cao.
The Energy Report: Thế còn triển vọng của các mặt hàng phân bón khác ra sao?
Robert Winslow: Không khác mấy với phân bón kali, nguồn cung phân lân có thể sẽ dồi dào thêm. Marốc, quốc gia sở hữu trên 50% nguồn dự trữ phốtphát của thế giới, muốn sản xuất ra thành phẩm phân MAP và phân DAP chứ thay vì chỉ chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô như hiện nay. Giá phân lân vì thế cũng chịu nhiều tác động đi xuống.
Không giống phân kali và phân lân, phân đạm các loại không phụ thuộc nhiều vào quặng mỏ. Phân đạm được sản xuất trên toàn thế giới nên thị trường này rất rộng mở. Nên cẩn thận khi có ý định đầu tư vào chứng khoán của các công ty sản xuất phân đạm. Họ đang hưởng một biên lợi nhuận (margin) khá cao vì giá nguyên liệu khí đốt ở mức thấp. Thời gian tới tình hình có thể sẽ khác đi và các nhà sản xuất phân đạm sẽ không còn hưởng lợi.
The Energy Report: Ông thấy triển vọng cho các nhà sản xuất phân bón như thế nào? Nếu họ tâm huyết với ngành này thì làm thế nào để cạnh tranh trên thị trường phân bón thế giới?
Robert Winslow: Cũng không có gì quá phức tạp. Mối quan hệ giữa giá nông sản và giá phân bón là tương đối cao. Giá nông sản thế giới đã lên cao trong thời gian qua nên có nguy cơ không giữ ở mức này được lâu. Nói như thế có thể thấy giá phân bón cũng khó được đẩy lên trừ khi xảy ra những biến cố về thời tiết và mùa màng. Đầu tư trong ngành phân bón, kể cả sản xuất hoặc mua bán chứng khoán, nên thận trọng trong thời gian tới vẫn là hơn.
tinPhanbon.com