Thế nào là bón phân hợp lý?

14-03-2013 in Bón phân cho cây

Hỏi – đáp thế nào là bón phân hợp lý cho cây trồng: bón cân đối, đúng lúc, đúng cách.

 

Thế nào là bón cân đối?

 

Bón cân đối là cung cấp đầy đủ các nguyên tố với tỷ lệ thích hợp. Có như thế mới phát huy đấy đủ hiệu quả từng loại, năng suất mới cao.

 

Có phải bảo đảm cân đối thì lúc nào cũng phải bón đầy đủ phân NPK, phân trung lượng và vi lượng không?

 

Không phải. Như vậy sẽ quá tốn kém và có kết quả không như ý muốn. Đất có thể cung cấp một phần. Cần lợi dụng hết khả năng của đất. Trong trường hợp năng suất còn thấp chỉ cần bón thêm đạm là đã tạo nên sự cân đối rồi. Muốn đạt năng suất trung bình, tùy theo đất, ngoài phân đạm ra còn cần thêm phân lân hoặc phân kali. Để đạt nâng suất cao và rất cao cần bón thêm vi lượng. Như vậy tỷ lệ N-P-K-vi lượng cân đối thay đổi theo giổng, theo đất và theo mức năng suất muốn đạt. Các qui trình sản xuất thường hướng dẫn chung, cho mỗi loại đất, và năng suất trung bình. Cân khéo léo điều chỉnh cho phù hợp với tình huống cụ thể.

 

Tại sao phải bón đúng lúc?

 

Cây trồng có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau ở các thời kỳ sinh trưởng khác nhau. Có thời kỳ cây hút nhiều, có thời kỳ cây hút ít chất dinh dưỡng. Có thời kỳ cây hút ít nhưng thiếu một chất lại ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất sau này (thường gọi là thời kỳ khủng hoảng). Mỗi thời kỳ lại yêu cầu một chất dinh dưõng khác nhau ví dụ thời kỳ mạ và lúa bén rễ, hồi xanh, tuy hút ít hơn nhưng thiếu lân lại làm năng suất lúa thấp. Đó là thời kỳ khủng hoảng về lân của lúa. Phân khi bón vào đất có thể biến dạng, có thể bị rửa trôi, bị mất đi, vì vậy bón sớm quá hay muộn quá đều không có lợi.

 

Thế nào là bón đúng lúc?

 

Bón đúng lúc là bón vào lúc mà cây trồng cần nguyên tố dinh dưỡng đó nhiều nhất để phát triển và để đạt sản lượng cao nhất. Ví dụ: Với lúa có 3 giai đoạn cần đạm nhất: bén rễ, đẻ nhánh, phân hóa.

 

Thế nào là bón đúng cách?

 

Tùy theo loại cây trồng (cây hàng năm, cây lâu năm, cây hoa thảo, cây đậu đỗ, cầy lấy củ, cây lấy sợi, cây trồng cạn, cây trồng nước…), tùy theo loại đất, tùy theo loại phân v.v… mà có cách bón khác nhau để phát huy hiệu quả tối đa của phân bón. Ví dụ:

  1. Cây ăn quả bón theo vành rộng của tán lá.
  2. Cây trồng cạn bón theo hàng, theo hốc.
  3. Lúa nước bón vãi, vun sâu xuống tầng dưới hoặc rưới phân viên vào giữa các khóm lúa.
  4. Bón đạm phải chia ra nhiều lần, lân dùng bón lót là chủ yếu, phân kali thường bón vào lúc làm đòng cho lúa hoặc trước lúc ra hoa. Phân hữu cơ chủ yếu là để bón lót.
  5. Lúa ngắn ngày hơn “nặng đầu nhẹ cuối”, tùy thời tiết, tùy sự phát triển lúa mà bón bổ sung thích hợp.
  6. Bón đạm cho lúa trồng trên đất thịt thường chỉ 1- 3 lần, nhưng trên đất nhẹ, bạc màu phải bón 3-4 lần thì hiệu quả mới cao.

 

Previous post:

Next post: