Khoai tây là loại rau ăn củ yêu cầu một lượng dinh dưỡng lớn và đầy đủ các nguyên tố đa lượng và vi lượng.
Dinh dưỡng đa lượng:
Nitơ (N): Thường người ta sử dụng N với lượng là 100-200kg/ha. Không nên bón quá nhiều đạm, bởi lượng đạm quá cao sẽ kích thích và kéo dài thời gian sinh trưởng, ức chế sự phát sinh, phát triển củ, làm chậm quá trình chín sinh lý của củ và kéo dài thời gian thu hoạch. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, hàm lượng đạm quá cao có thể là nguyên nhân làm giảm hàm lượng chất khô ở củ khoai tây. Bón đạm qua nhiều còn dễ gây bệnh, giảm khả năng bảo quản. Bón N cho khoai tây có tác dụng chủ yếu là hoạt hóa mầm, thúc đẩy sinh trưỏng thân lá, tăng cường quang hợp, tăng khối lượng củ và khối lượng khóm.
Phốt pho (P): Qua tìm hiểu người ta nhận thấy P rất cần thiết đối với khoai tây bởi nó góp phần làm cây sớm ra hoa kết quả và hình thành củ, tăng số lượng củ trên cây, tăng khả năng chống chịu với bệnh virus. Với các loại đất phù sa, người ta bón P với lượng từ 60-90kg/ha.
Kali (K): Đây là chất làm tăng chất lượng củ, tăng hàm lượng chất khô củ và làm giảm bệnh đốm đen trên củ. Khoai tây thích ứng với loại phân sulfat kali, nó làm tăng khả năng quang hợp, tăng sự vận chuyển các chất trong cây và tăng khả năng chống chịu với những bất thuận từ bên ngoài tác động vào.
Canxi (Ca): Khi trồng khoai tây trên đất có độ pH 4,8 thường xảy ra hiện tượng: cây sinh trưởng kém, củ nhũ, năng suất thấp. Với loại đất này, cần phải bổ sung nguyên tố canxi để trung hòa độ chua trong đất, làm tăng độ pH đất, giúp cho quá trình hoạt động của hệ rễ trong quá trình hấp thu các chất khoáng và nước. Canxi được bổ sung dưới dạng vôi bột.
Các nguyên tố vi lượng:
Kẽm (Zn): Khi thiếu kẽm lá và gốc cây khoai tây bị mất màu, lá non giảm kích thước và xuất hiện các chất hoại tử.
Lưu huỳnh (S): Khi thiếu lưu huỳnh lá chuyển màu vàng từ phía đỉnh ngọn xuống các lá dưới.
Magiê (Mg): Với các loại đất thịt nhẹ thường thiếu Mg. Trường hợp bón nhiều K và N ở dạng NH4+ sẽ làm giảm khả năng hấp thu Mg.
Cách bón phân cho khoai tây:
Phân hữu cơ: Là loại phân chuồng đã được ủ hoai mục, không làm ảnh hưởng đến rễ và không gây nhiễm bệnh qua rễ.
Phân vô cơ: Phân urê, phân supe lân, phân kali sulfat. Nêu độ pH thấp cần bón thêm vôi bột. Bón trước khi cày bừa hoặc khi ủ phân chuồng.
Lượng phân bón: Phân chuồng hoai 15-20 tấn + 120-150 N + 60-90 P2O5 + 90-120 K2O/ha.
Lượng bón và cách bón phân cho khoai tây:
Loại phân | Tổng luợng phân bón (nguyên chất) | Bón lót <%} | Bón thúc (%) | ||
Kg/ha | Kg/sào | Lần 1 | Lần 2 | ||
Phân chuồng ủ hoai mục | 1500-2000 | 550 | 100 | – | – |
Phân đạm urê | 120-150 | 10-12 | 25 | 35 | 40 |
Phân lân supe | 60 – 90 | 100 – 110 | 100 | – | – |
Phân kali sulfat | 90- 120 | 7-9,5 | 30 | 40 | 30 |
Bón thúc:
Lần 1: Sau trồng từ 20-25 ngày, bón thúc kết hợp xới xáo vun gốc và tỉa cây.
Lần 2: Sau lần 1 khoảng 15 ngày kết hợp với vun cao luống. Không bón thúc muộn hơn sau trồng 50 ngày.
Để khoai tây đạt năng suất cao, người trồng cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, trong đó có khâu bón phân. Thực hiện bón phân cân đối và họp lý cho khoai tây.
VHDT