Cần thay đổi qui trình bón phân theo giống không?
Rất cần thiết. Ngoại hình các giống khác nhau, thời gian sinh trưởng khác nhau, tính chống chịu khác nhau, nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, nên khác nhau cả về dạng và liều lượng phân bón. Lấy lúa làm ví dụ. Các giống lúa cũ cao cây, năng suất thấp, yếu chịu đạm, bón nhiều đạm lá ướt, mềm cây, dễ đổ dẫn đến giảm năng suất. Các giống lúa mới có nhu cầu đạm cao, thiếu đạm lại không thể đạt năng suất mong muốn.
Các giống lúa cũ nhu cầu về lân thấp, lại có thể hấp thụ được dạng lân khó tan trong đất, nên dù bón ít cây vẫn phát triển bình thường. Bón các loại lân khó tiêu vẫn có hiệu quả tốt. Các giống lúa mới phần lớn là giống có nhu cầu lân cao, và không tận dụng được lân khó tiêu, thiếu lân sinh ra nghẹt rễ, chỉ khi bón đủ lân lẫn với đạm mới cho năng suất cao. Các loại lân khó tiêu hiệu quả kém phải dùng lân dễ tiêu như supe lân và phân lân nung chảy. Có loại giống mới lại có yêu cầu phân kali cao. Các nhà chọn giống trước khi phổ biến giống mới đều nghiên cứu kỹ nhu cầu phân bón của từng loại. Cần theo đúng hướng dẫn và dần dần cải tiến cho phù họp với tình hình đất đai, khí hậu địa phương.
Phun phân lên lá có tác dụng gì?
Chất dinh dưỡng có thể hấp thụ được qua lá cây. Phun lên lá có hai điều lợi:
- Cây sử dụng nhanh chóng hơn và hiệu suất sử dụng cao hơn.
- Không bị các chất trong đất làm cho phân trở thành khó hòa tan, cây không tiêu hóa được.
Cách phun lên lá này có thể áp dụng cho các phân đa lượng (N,P,K) vào các thời kỳ khủng hoảng (cây có nhu cầu ít nhưng nếu thiếu ảnh hưởng lớn đến năng suất sau này). Đặc biệt cách phun lên lá hay dùng đổi với phân vi lượng vì nhu cầu của cây ít’mà phân vi lượng dễ bị các quá trình trong đất làm cho trở thành không tan,cây không sử dụng được.