Bón phân cho cây ăn quả

21-02-2013 in Bón phân cho cây

Bón phân cho cây ăn quả: bón phân cho cây mậnCây ăn quả ở mỗi thời kỳ có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Do vậy, việc bón phân cho cây ăn quả đòi hỏi phải áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật, có như vậy mới đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Dưới đây là quy trình bón phân:

 

1. Bón lót:

 

Thông thường khi trồng cây ăn quả, người ta chỉ bón phân ở hố trồng, chứ không bón lót rải khắp vườn khi cày vỡ, bón như vậy không bảo đảm được lâu dài. Bởi vì khi cây đã lớn rễ ăn lan rộng khắp mặt đất, lúc ấy không thể bón phân lân và phân kali có hiệu quả được nữa, trong khi đó nó lại rất cần thiết khi cây đã lớn và già.

 

Thời kỳ cây đã trưởng thành mà cuốc lật đất rồi bón rải thì rễ cây bị đứt, nếu bón từng lỗ hay theo rãnh thì phân lân và phân kali không như phân đạm có thể dễ dàng tới chỗ có nhiều rễ cám.

 

Để giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, đảm bảo nang suất hàng năm, tốt nhất nên vừa bón phân sau khi cày vỡ rồi cày lật vừa bón phân dưới hố trồng (bón các loại phân lân và phân kali là chính). Chỉ nên bón phân đạm trong trường hợp đất quá xấu, vì đạm dễ bị rửa trôi và cũng dễ di động, không nhất thiết phải bón gần rễ cám.

 

2. Bón phân thời kỳ cây non chưa ra hoa quả:

 

Đây là thời kỹ xây dựng bộ khung trước hết là rễ, cành, thân, lá. Vì vậy chất dinh dưỡng cần là phân đạm, phân lân. Lượng phân bón không cần nhiều, chỉ một vài trăm gam một năm mỗi loại phân là đủ. Thời kỳ cây còn nhỏ bón phân làm 3-4 lần trong một năm. Lượng phân bón này tăng dần lên mỗi năm nhưng cũng không quá 1-l,5kg khi cây sắp ra hoa. Dưới hố đã bón phân chuồng rồi thì không cần bón thêm phân kali nữa.

 

Mỗi năm bón một lần phân chuồng 10-20kg mỗi cây bởi phân chuồng ngoài chức năng cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết còn làm tơi đất giàu chất mùn. Nên bón phân như vậy, vì khi cây đã ra hoa kết quả rồi mới bón thêm phân chuồng thì rất khó vì phải đào rãnh, xới đất, nên khi bón một lượng phân chuồng lớn bao giờ cũng đứt rễ, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.

 

3. Bón phân thời kỳ ra hoa quả:

 

Bón phân ở thời kỳ này rất quan trọng, nó làm tăng năng suất và phẩm chất cây trồng. Nhưng việc bón phân lúc này gặp nhiều khó khăn, điều đó được biểu hiện với những vấn đề cơ bản sau:

 
–          Khi ra hoa kết quả, cây tiêu thụ rất nhiều chất dinh dưỡng, nếu thiếu thì hoa quả sẽ rụng non.
–          Thiếu nước hoặc thừa đạm cũng có thể làm cho hoa, quả non rụng. Do vậy, cần phải cung cấp đủ nước và bón đạm hợp lý cho cây.
–          Khi cây ra hoa quả, bộ rễ đã ngừng phát triển, nếu đào hố, rãnh lớn lúc này sẽ làm đứt rễ cũ trong khi rễ mới không ra được làm cho cây thiếu nước, thiếu chất dinh dưỡng dẫn đến quả non bị rụng.
–          Phân bón trong thời kỳ này cần sử dụng những loại có hiệu quả nhanh, chủ yếu là phân hóa học, nếu có thể kết hợp với tưới sẽ phát huy được hiệu quả nhanh chóng.

 

Cây ra hoa kết trái vẫn cần cả phân đạm, phân lân, phân kali, nhưng tỷ lệ các loại phân bón này đã khác so với khi bón lúc cây còn nhỏ. Bởi vì thời kỳ cây còn non, đạm, lân rất cần để cây hình thành và phát triển thân, lá, ra hoa quả, đặc biệt khi quả sắp chín, khi quả xúc nạp nhiều chất dự trữ như các loài cam, quýt, hồng… tỷ lệ phân đạm, phân lân, phân kali không chỉ là 1:1:1 mà tùy theo từng loại cây có thể là 2:3:4 hoặc 2:4:4…

 

Phân chuồng bao giờ cũng cần thiết đối với cây trong các thời kỳ, nhưng người ta thường chỉ bón sau lúc thu hoạch vì lúc này cây đã tạm ngừng sinh trưởng, đứt rễ không gây hại lớn, phân chuồng lại là phân tác động chậm, nó sẽ phát huy tác dụng với vụ ra hoa quả tiếp theo. Nên bón với lượng phân lớn hơn khi cây còn nhỏ.

 

Thông thường người ta bón từ 20-30kg/gốc. Bón phân bằng cách đào rãnh ở mép tán cây, rãnh sâu 15-20cm, rộng 20-30cm, bón xong lấp đất lại.

 

Với các loại phân hóa học bón từ 5-7kg/gốc (bao gồm phân đạm, phân lân, phân kali có khi cả Ca, Mg…). Bón phân làm 2-3 lần trước lúc ra hoa và sau khi đậu quả. Có thể bón dưới tán cào nông trộn với đất mặt, có thể bón phân từng hốc nhỏ đào ở mép tán sâu 10-l5cm, làm như vậy để tránh bị đứt nhiều rể. Tốt nhất là hòa phân bón vào nước tưới, vừa cung cấp chất dinh dưỡng lại vừa cung cấp nước. Phân vi lượng chủ yếu phun lên lá, trong dung dịch loãng.

 

VHDT

Previous post:

Next post: